Cảm biến Live MOS định dạng Micro Four Thirds 16,1 megapixel
ISO: 200-25.600
Tốc độ đồng bộ flash: 1/250 giây
EVF độ phân giải 1,44 triệu điểm ảnh
Màn hình kích thước 3" có tính năng cảm ứng
Thân máy màu bạc hoặc đen
Dùng thẻ nhớ SDXC
Có cổng USB 2.0
Kích thước: 122 x 89 x 43 mm
Olympus OM-D E-M5 body màu đen pin sạc cáp.
Giá từ 4.500.000đ.đến 5.200.000đ
BH 3 tháng
Lấy tên từ dòng máy ảnh chụp phim ống kính rời OM thành công trước đây, Olympus tung ra dòng máy ảnh không gương lật mới OM-D với phiên bản đầu tiên là E-M5 thực sự gây chú ý với những tính năng tiên tiến trong một mức giá hấp dẫn.
Với OM-D E-M5, Olympus làm sống lại cả tên tuổi và hình ảnh của một dòng máy ảnh thành công trong quá khứ của công ty để thu hút cảm giác hoài cổ trong một model máy ảnh kỹ thuật số hiện đại.
E-M5 được trang bị một cảm biến 16 megapixel, một kính ngắm điện tử, cả hai đều lần đầu tiên có mặt trong một máy ảnh không gương lật của Olympus. Máy có hai lựa chọn màu sắc là bạc và đen, dự kiến có mặt chính thức trên thị trường từ tháng Tư này với giá 1000 USD cho thân máy, 1.100 USD nếu kèm một ống kính 14-42mm tiêu chuẩn, và 1.300 USD với ống kính 12-50mm f/3.5-6.3 EZ.
Mặc dù khu vực chứa kính ngắm có hình dạng giống như lăng kính 5 mặt (pentaprism), nhưng thực tế không hề có lăng kính nào bên dưới. Điều này chủ yếu nhằm mang lại cảm giác hoài cổ cho chiếc máy ảnh. Những ai đã từng dùng qua hoặc yêu quý dòng máy phim Olympus OM trước đây (Olympus đã ngừng sản xuất dòng máy này từ năm 2002) hẳn sẽ tìm thấy đôi chút quen thuộc trên model kỹ thuật số OM-D E-M5.
Vậy, OM-D E-M5 có thực sự xứng với cái tên OM hay chỉ là tấm áo khoác bên ngoài? Câu trả lời sẽ lần lượt được trình bày ở bên dưới, qua con mắt đánh giá của các chuyên gia từ Imaging Resource, Photographyblog, dpreview...
Cảm quan bên ngoài
OM-D E-M5 có vẻ ngoài giống với các model OM dòng phổ thông hơn là dòng cao cấp, nhất là ở phần lăng kính khá lớn của nó. Do bên trong phần lăng kính chỉ là một kính ngắm điện tử mà không có lăng kính nào, nên một số người dùng sẽ có một chút thất vọng.
Phiên bản màu bạc của Olympus OM-D E-M5
So với máy ảnh OM cũ, E-M5 ngắn hơn, mỏng hơn và hẹp hơn. Nó có một phần báng cầm nhỏ ở phía trước với độ rộng vừa đủ để các ngón tay giữ máy được thoải mái. Nói chung, bạn có thể tì tay một cách chắc chắn trên vỏ máy. Phần báng cầm bằng cao su nên bạn có thể yên tâm khi cần giơ máy lên cao để chụp, hoặc khi cần xem lại ảnh.
Một nút nhả ống kính có cùng hình dáng và vị trí như trên các máy PEN của Olympus, trong khi các máy ảnh OM vốn sử dụng nút nhả ống kính ngay trên thân ống kính. Chấm đỏ dùng để định hướng khi xoay lắp ống kính vẫn ở vị trí cũ như trên máy ảnh OM. Một đèn hỗ trợ lấy nét nằm phía trên nút nhả ống kính. Máy vẫn sử dụng thiết kế móc gắn dây đeo hình chữ D truyền thống.
Ống kính chống chịu thời tiết có dải tiêu cự 12-50mm (24-100mm tương đương phim 35mm) có một cơ chế zoom độc đáo. Ở vị trí như hình trên, ống kính được zoom điện tử bằng một cái vặn sang trái hoặc phải khoảng 3mm, nghĩa là ống kính nhả ra khá nhanh. Nếu kéo ngược vòng zoom (zoom ring) thì máy sẽ chuyển sang chế độ zoom cơ. Điều thú vị là Olympus đang thiết kế những ống kính kiểu này cho các nhiếp ảnh gia. Chế độ zoom điện tử sẽ rất hữu ích khi cần zoom êm ái khi quay video, bất lợi duy nhất là việc kéo và đẩy vòng zoom có thể gây rung hình.
Phía bên trái kính ngắm là một bánh xe chỉnh chế độ chụp (Mode dial), trong khi bên phải có hai bánh xe – mà ta tạm gọi là bánh xe trước và sau. Ở chế độ chụp Manual, bánh xe sau (có viền trắng) sẽ cho phép điều chỉnh tốc độ màn trập còn bánh xe trước điều chỉnh khẩu độ. Ở trung tâm của bánh xe trước là nút màn trập. Khi nhấn giữ một nửa nút màn trập, bạn sẽ thấy cảm giác hơi mềm nơi tay, nhưng khi nhấn hết để chụp thì sẽ thấy rất cứng.
Ngay bên cạnh phía bên phải của nút màn trập là một nút mới gọi là Curves. Khi sử dụng hai bánh xe nói trên, bạn có thể điều chỉnh (thông qua màn hình) các chi tiết Shadows và Highlights và nhìn thấy ngay kết quả. Phía sau nút Curves là nút quay video.
Mặc dù có khá nhiều chi tiết của E-M5 giống với máy ảnh dòng PEN, các nút điều khiển phía sau của máy giống với dòng DSLR E-5 của Olympus hơn. Hầu hết các máy ảnh PEN thường có một bánh xe điều chỉnh nằm bao quanh các nút điều hướng bốn chiều, nhưng E-M5 chỉ có 5 nút. Bên dưới các nút này là nút bật/tắt nguồn nằm ở vị trí tương tự như trên E-3 và E-5.
Màn hình OLED của E-M5 có thể nghiêng lật theo chiều dọc, lên trên 90 độ và xuống dưới 45 độ. Kính ngắm của máy có độ phân giải cao, lên tới 1,44 triệu điểm ảnh, độ phóng đại 1.15x và vùng áp mắt 18mm – khá thoải mái với những người phải đeo kính cận.
Hai bánh xe điều khiển ở mặt trên máy
Trong hai bánh xe điều chỉnh ở phía trên máy, bánh xe trước làm bằng nhựa có vẻ dễ xoay hơn bánh xe sau làm bằng kim loại. Trên một máy ảnh có thiết kế "hồi tưởng" OM, thật thú vị khi nhà sản xuất cố gắng mang lại một số yếu tố "cơ học". Người dùng máy ảnh OM thường điều chỉnh tốc độ màn trập và khẩu độ thông qua các vòng xoay trên ngàm và thân ống kính. Do đó, nếu xét rằng dòng máy không gương lật đã loại bỏ các điều khiển khẩu độ cơ học trên thân ống kính, thì việc điều chỉnh hai bánh xe trên có gì đó đã giữ lại hệ thống OM trên một thiết bị kỹ thuật số. Điều này có thể nói là một điểm cộng cho OM-D E-M5.
Ống kính
Như đã nói ở phần trên, M.Zuiko Digital ED 12-50mm f/3.5-6.3 EZ là ống kit lens dành cho OM-D E-M5. Trượt vòng zoom về phía trước để đặt ống kính ở chế độ zoom điện tử, lý tưởng cho việc zoom khi quay phim. Tốc độ zoom phụ thuộc vào việc bạn xoay vòng zoom bao xa. Kéo vòng zoom ngược về phía sau để chuyển về chế độ zoom cơ.
Ống kính có khả năng lấy nét nhanh và không ồn. Ống kính này có khá nhiều vòng niêm phong để chống thấm nước.
OM-D E-M5 có thể tương thích với tất cả 26 ống kính dành cho ngàm Micro Four Thirds hiện nay (không bao gồm ống Panasonic 3D), trong đó phần lớn ống kính do Sigma sản xuất. Bạn cũng có thể sử dụng 9 loại ngàm chuyển đổi để có thể sử dụng ống kính từ các hãng Pentax, Leica, Voigtländer và thậm chí là dòng ống kính Four Thirds của Olympus bằng cách sử dụng ngàm chuyển MF-3 có khả năng chống bụi và chống rung.
Cảm biến và bộ xử lý
Trái tim của Olympus E-M5 là một cảm biến Live MOS mới 16.1-megapixel và bộ xử lý TruePic VI đã thấy trên E-P3. Máy có thể chụp ảnh tĩnh ở độ phân giải tối đa là 4.608 x 3.456 pixel. Các ảnh RAW là 12-bit và được lưu dưới dạng nén lossless (nén không ảnh hưởng chất lượng ảnh).
Cảm biến ảnh mới được tuyên bố là không những có thể cung cấp độ phân giải cao hơn các máy ảnh Micro Four Thirds trước đây của Olympus và còn có thể chụp ở chế độ high dynamic range tốt hơn, giảm nhiễu tốt hơn. Tổng số điểm ảnh của chip là 16.9 megapixel.
Độ nhạy sáng
Độ nhạy sáng của E-M5 chạy từ ISO 200 đến mức tối đa là ISO 25.600, được điều chỉnh tự động hoặc bằng tay với bước nhảy 1/3 hoặc 1 EV. Độ nhạy mặc định ở chế độ Auto là ISO 1.600.
Hiệu suất
Olympus E-M5 có thể chụp ảnh liên tiếp 9 khung hình/giây ở độ phân giải đầy đủ, với điều kiện khóa lấy nét ngay từ khung hình đầu tiên.
Nếu cho phép tiếp tục lấy nét giữa các shot hình khác nhau, tốc độ giảm xuống còn 4.2 khung hình/giây và thậm chí chỉ còn 3.5 khung hình/giây nếu bật chế độ ổn định hình ảnh.
Lấy nét
Olympus E-M5 có hệ thống lấy nét đã được cải tiến so với E-P3. Máy vẫn sử dụng tính năng lấy nét tự động phát hiện tương phản (có tên là Frequency Acceleration Sensor Technology – FAST). Theo tuyên bố của Olympus thì hệ thống mới này có khả năng lấy nét tự động nhanh nhất thế giới khi chụp với ống kính M.Zuiko Digital ED 12-50mm f/3.5-6.3 EZ.
So với E-P3, cải tiến của E-M5 là tăng tốc độ lấy nét bằng cách gấp đôi tốc độ đọc ra của cảm biến – đạt tới 240 fps. Đạt được tốc độ này có nghĩa là máy phải trả giá bằng độ phân giải phát hiện tương phản, tức là độ chính xác khi lấy nét. Vì lý do này, E-M5 chỉ sử dụng tốc độ làm tươi 240Hz để lấy nét liên tục, sau đó giảm về tốc độ chậm hơn và chính xác hơn là 120Hz trong chế độ lấy nét tự động từng ảnh đơn. Olympus cũng lưu ý rằng việc tăng tốc độ làm tươi trong lấy nét liên tục sẽ cho phép theo dõi đối tượng tốt hơn.
Mặc dù E-M5 sử dụng tính năng phát hiện tương phản (contrast detection), nó vẫn có các vị trí lấy nét cố định, như E-P3. Hệ thống lấy nét của E-M5 cung cấp 35 điểm lấy nét, được bố trí thành một mảng 7 x 5 phủ kín hầu hết khung hình ngoại trừ các điểm sát biên ảnh. Các chế độ chọn điểm lấy nét bao gồm All Target (35-area), Group Target (9-area), and Single Target. Ở chế độ phóng to khuôn hình, máy có thể zoom ở các kích cỡ 5x, 7x, 10x, 14x, với khá ít nhiễu.
Tính năng nhận diện khuôn mặt cũng được hỗ trợ (có thể nhận diện cùng lúc 8 khuôn mặt). Tính năng nhận biết mắt có 3 tùy chọn: ưu tiên mắt gần hơn (Nearer-eye priority), ưu tiên mắt phải (Right-eye priority), ưu tiên mắt trái (Left-eye priority). Một đèn hỗ trợ lấy nét cũng được cung cấp để đáp ứng nhu cầu chụp với ánh sáng yếu. Các chế độ lấy nét bao gồm Single AF (S-AF), Continuous AF (C-AF), Manual Focus (MF), S-AF + MF, và AF tracking (C-AF + TR).
Tính năng rũ bụi cảm biến
E-M5 được trang bị hệ thống rũ bụi bằng sóng siêu âm (Supersonic Wave Filter Dust Reduction) đã được cấp bằng sáng chế của Olympus, sử dụng một thành phần áp điện (piezoelectric element) để rung phần kính lọc nằm phía trên cảm biến, từ đó loại bỏ bụi và các vật chất khác bám trên cảm biến.
Màn hình
Trên mặt sau của Olympus E-M5 là một màn hình Organic LED 3.0-inch, phủ một lớp cảm ứng điện dung giống như E-P3. Tuy nhiên, màn hình của E-M5 có ưu điểm là nghiêng lật được như đã nói ở trên.
Màn hình có độ phân giải 614.000 dot, góc nhìn đạt 176 độ và có hai chế độ hoạt động: màu tự nhiên và màu sống động (vivid), 5 mức điều chỉnh độ sáng và 7 mức điều chỉnh màu.
Kính ngắm
Một trong những tính năng đáng chú ý của Olympus E-M5 là kính ngắm, nó khá giống với kính ngắm điện tử VF-2 trên các máy ảnh dòng PEN nhưng có thiết kế quang học mới. Độ phân giải của kính ngắm là 1.440.000 dot, tương đương với khoảng 480.000 pixel. Kính ngắm có vùng ngắm 100% và độ phóng lớn 1.15x. Vùng mắt ngắm (eyepoint) là 18mm, tốc độ làm tươi 120Hz. Có một vòng xoay điều chỉnh đi-ốp nằm ở bên trái mắt ngắm, cho phép điều chỉnh trong khoảng -4 đến +2m-1, eyecup có thể di chuyển được. Một cảm biến hồng ngoại cho phép chuyển đổi giữa hai chế độ kính ngắm và màn hình OLED.
Màn trập
E-M5 có tốc độ màn trập từ 60 - 1/4.000 giây, riêng chế độ Bulb mode có thể thiết lập với thời gian phơi sáng từ 1-30 phút, với 8 nấc khác nhau. Màn trập đã được thử nghiệm về tuổi thọ là 100.000 lần chụp.
Phơi sáng
Olympus E-M5 cung cấp nhiều chế độ phơi sáng khác nhau, bao gồm: iAuto, Program, Aperture-priority, Shutter-priority, Manual, Bulb, Time, Scene Select, Art Filter, Underwater Wide, và Underwater Macro. Các tùy chọn cảnh chụp cũng rất phong phú, với 23 cảnh mặc định: Portrait, e-Portrait, Landscape, Landscape + Portrait, Sport, Night, Night + Portrait, Children, High Key, Low Key, DIS mode, Macro, Nature Macro, Candle, Sunset, Documents, Panorama, Fireworks, Beach & Snow, Fisheye Conv., Wide Conv., Macro Conv., và 3D.
Máy sử dụng một hệ thống đo sáng đa mẫu với 324 vùng đo, cung cấp chế độ đo sáng center-weighted (đo sáng trọng tâm) và spot (đo sáng điểm). Hệ thống đo sáng có phạm vi hoạt động từ EV 0 - 20 (17mm f/2.8 lens, ISO 100). Các chế độ đo sáng có thể được kích lên +/- 3.0 EV với các nấc bù sáng 1/3, 1/2, 1 EV. Chức năng khóa đo sáng tự động (AE Lock) cũng được cung cấp để giữ nguyên một mức phơi sáng mong muốn. Ngoài ra, E-M5 còn cung cấp tính năng chụp bracket, cho phép chụp 2, 3, 5, hoặc 7 khung hình ở các mức phơi sáng khác nhau, với khoảng cách giữa các khung hình là 0.3, 0.7, hoặc 1 EV (trừ chế độ chụp 7 khung hình, mức độ phơi sáng của từng hình sẽ được tăng lên theo các nấc 0.7 EV).
Cũng giống như các máy ảnh PEN gần đây, Olympus E-M5 cũng cho phép người dùng điều chỉnh hệ thống đo sáng cho phù hợp với sở thích riêng, mỗi mức điều chỉnh là 1/6 EV.
Cân bằng trắng
Ngoài các chế độ cân bằng trắng như Auto, 2 chế độ Custom và chế độ Kelvin, còn có 7 chế độ cân bằng trắng định sẵn khác. Đó là: Sunny, Shade, Cloudy, Incandescent, Fluorescent, Underwater, Flash. Người dùng có thể điều chỉnh trong vòng 15 mức cân bằng trắng, và chụp bracket với 3 khung hình có cân bằng trắng khác nhau.
Ổn định hình ảnh
Cơ chế ổn định hình ảnh mới rất khác với các thiết kế trước đây. Hệ thống cũ chỉ di chuyển theo 2 trục, trong khi thiết kế mới có thể cân bằng theo 5 trục chuyển động: chuyển động quay dọc (yaw), chuyển động quay ngang (pitch), chuyển động dọc (vertical), chuyển động ngang (horizontal) và chuyển động lăn (roll). Máy thậm chí còn có thể cho 5 mức kết quả ổn định hình ảnh.
Chệ độ Creative
Giống như các máy ảnh PEN, Olympus E-M5 được tích hợp khá nhiều tính năng bộ lọc nghệ thuật Art Filter (dùng thiết lập trước khi chụp) và tất cả các bộ lọc này đều có thể áp dụng cho cả ảnh tĩnh và video, mặc dù chúng có thể ảnh hưởng tới tốc độ chụp/quay. Các bộ lọc này bao gồm: Pop Art, Soft Focus, Pale & Light Color, Light Tone, Grainy Film, Pin Hole, Diorama, Cross Process, Gentle Sepia, Dramatic Tone, Key Line.
Ngoài ra, E-M5 còn có một số bộ lọc dùng sau khi chụp, gồm: Soft Focus, Pin-hole, White Edge, Frame, Star Light. Tính năng Art Filter Bracketing cho phép người dùng thấy được hiệu ứng của các bộ lọc khác nhau bằng cách lưu lại nhiều bản copy của từng shot ảnh được áp dụng các bộ lọc khác nhau. Chưa hết, E-M5 còn cung cấp một tính năng gọi là Multiple Exposure với hai khung hình có phơi sáng khác nhau, được tùy chọn tỉ lệ khung ảnh 4:3, 3:2, 16:9, 1:1, 3:4, tính năng biên tập ảnh ngay trên máy…
Một tính năng mới độc đáo khác nữa là Live Bulb/Live Time, cho phép bạn xem trước mức độ phơi sáng ngay khi máy còn đang phơi sáng, trong các chế độ phơi sáng lâu. Kết quả phơi sáng không hiển thị theo thời gian thực mà theo các quãng nghỉ được thiết lập trước. Chẳng hạn, với mức ISO 200 bạn sẽ có khoảng 25 quãng nghỉ, mỗi quãng nghỉ là 0,5 giây cho một bức ảnh được phơi sáng trong tối đa 12,5 giây. Bạn có thể tạm khóa mức phơi sáng nào đó bằng một lần nhấn vào điều khiển từ xa, và kết thúc bằng cú nhấn thứ hai để chính thức chọn mức phơi sáng đó, hoặc tiếp tục đợi đến hết thời gian phơi sáng đã định. Tính năng này đặc biệt hữu ích khi bạn muốn lựa chọn mức phơi sáng mong muốn, có thể dừng phơi sáng ngay lập tức mà không phải đợi khi máy kết thúc phơi sáng – mà nhiều khi kết quả sẽ là bức ảnh non sáng hoặc thừa sáng.
Chụp ảnh 3D
Olympus đã đưa chế độ chụp 3D Photo vào trong model E-M5, cho phép tạo ra những bức ảnh sáng tạo 3D theo định dạng Multi Picture Object (.MPO). Các tệp MPO chứa nhiều ảnh tĩnh JPEG với các góc nhìn hơi khác nhau một chút và có thể xem trên các màn hình hiển thị 3D. Để chụp ảnh 3D với Olympus E-M5, bạn giữ nút chụp và từ từ đưa máy lượt qua khung cảnh, cho đến khi máy ảnh tự động chụp một bức ảnh thứ hai.
Video
Tính năng quay video hiện nay dường như đã trở thành "bắt buộc" phải có trên các máy ảnh hoán đổi ống kính được. Olympus E-M5 cũng có thể quay video độ nét cao, với độ phân giải full HD 1920 x 1080 pixel.
Cũng giống như các model khác, máy vẫn lưu video ở định dạng MPEG-4 AVC/H.264, nhưng được lưu với tên MOV cùng với các ảnh tĩnh. Máy cũng có thể quay video ở độ phân giải 1.280 x 720 pixel hoặc 640 x 480 pixel.
Giống các máy ảnh PEN, Olympus E-M5 cung cấp nhiều chế độ phơi sáng trong lúc quay video: Program AE, Aperture-priority AE, Shutter-priority AE, Manual và Art Filter. Lưu ý là, ở chế độ Shutter-priority và Manual, tốc độ màn trập được giới hạn là dưới mức 1/30 giây. Chế độ khóa phơi sáng AE Lock cũng được hỗ trợ.
So với máy ảnh PEN, Olympus E-M5 có chất lượng xử lý video tốt hơn, được hỗ trợ ổn định hình ảnh trên cảm biến ngay trong lúc quay. Ngoài ra, E-M5 còn có thêm tính năng mới Movie Echo, cho phép bạn chọn "đóng băng" (freeze) một khung hình trong lúc quay video, sau đó khung hình bị đóng băng này sẽ bị mờ đi khi xem. Có hai chế độ cho tính năng này: One Shot Echo (chỉ đóng băng 1 khung hình) và Multi Echo (đóng băng một số khung hình liên tiếp).
Chống bụi
Thân máy bằng hợp kim ma-giê của Olympus E-M5 có khả năng chống bụi, chống rung giật, chống thấm nước được.
Các lớp bảo vệ (seal) trên thân máy Olympus OM-D E-M5
Kết nối
Olympus E-M5 cung cấp khá nhiều tùy chọn kết nối, gồm USB 2.0 High Speed data, Type-D Micro HDMI, cổng ra NTSC / PAL, cổng Accessory Port 2 (AP2) của riêng máy ảnh Olympus để gắn các phụ kiện trên hot-shoe như bộ phụ kiện kính ngắm VF-2 và VF-3. Ngoài ra, máy còn một thiết bị chuyển đổi để cắm microphone ngoài, MAL-1 Macro Arm Light, và PP-1 PenPal bluetooth adapter. Máy tương thích với điều khiển từ xa Olympus RM-UC1 dùng cáp USB.
Cổng AP2 của máy được che bởi một nắp cao su, nằm bên dưới hot-shoe gắn flash
Lưu trữ
Olympus E-M5 tương thích với các loại thẻ Secure Digital, bao gồm SDHC và SDXC, UHS-I type. Máy cũng hỗ trợ thẻ Eye-Fi Secure Digital có khả năng kết nối Wi-Fi-Fi, dùng để truyền file không dây. Để quay được video, cần sử dụng loại thẻ ít nhất là Class 6.
Pin
Olympus E-M5 sử dụng bộ pin BLN-1 lithium-ion, chưa có thông tin về thời lượng sử dụng pin.
Chất lượng ảnh chụp
Theo photographyblog, chất lượng ảnh chụp của Olympus OM-D E-M5 khá tốt, máy cho chất lượng ảnh tốt với ít nhiễu ở các mức ISO cao và ngay cả trong thời tiết không thuận lợi. Xem các ảnh được chụp bằng Olympus OM-D E-M5 trên photographyblog tại đây.
VnReview cũng tìm được một bài đánh giá rất chi tiết về Olympus OM-D E-M5 trên blog của nhiếp ảnh gia đường phố Robin Wong, trong đó, Robin Wong đặc biệt thích model máy ảnh này ở chất lượng chụp ảnh, hệ thống ổn định hình ảnh 5 trục, kích thước gọn nhẹ, thời lượng pin tốt (chụp được khoảng 400 shot). Tuy nhiên, Robin Wong phàn nàn về tính năng chống thấm nước của E-M5, máy bị mờ hơi nước ở phần kính ngắm điện tử khi chụp dưới trời mưa, mặc dù sau đó máy vẫn hoạt động bình thường. Ngoài ra, E-M5 lấy nét liên tục ở chế độ 3D tracking hơi kém. Một số ảnh chụp đường phố của Robin Wong bằng OM-D E-M5: